Số người đang Online: 0

Tổng lượt truy cập tuần: 438

Tổng lượt truy cập tháng: 1452

Tổng lượt truy cập: 13132

Quy định cấp và quản lý sử dụng tem, nhãn

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 Điều 1. Mục tiêu

  1. Quy chế này nhằm thống nhất cách thức sử dụng hệ thống tem nhãn (bao gồm nhãn hiệu, túi đựng, nhãn hàng hóa, tem bảo đảm) đối với sản phẩm mai vàng tỉnh Bình Định đáp ứng các tiêu chí về tính chất và chất lượng đặc thù theo văn bản mô tả nộp Cục Sở hữu trí tuệ.
  2. Quy chế này nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm mai vàng khi đưa ra thị trường, đảm bảo quyền và lợi ích của người sử dụng Chỉ dẫn địa lý, của người tiêu dùng, phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.
  3. Quy định này nhằm thống nhất các hành vi sử dụng nhãn hiệu, hệ thống tem nhãn của Chỉ dẫn địa lý “Bình Định” dùng cho sản phẩm mai vàng để từng bước phát triển thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo tồn và phát huy giá trị thương hiệu.
  4. Đảm bảo số lượng tem, nhãn, bao bì sản phẩm được cấp tương ứng với số lượng sản phẩm đăng ký được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Định” dùng cho sản phẩm mai vàng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng cho tất cả các cá nhân, tổ chức, tập thể được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Định” trong việc sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm mai vàng mang Chỉ dẫn địa lý “Bình Định” cũng như cách thức giám sát, kiểm tra các hoạt động liên quan đến việc sử dụng tem, nhãn, bao bì sản phẩm.

Điều 3: Giải thích từ ngữ

  1. Tem chỉ dẫn địa lý: Là tem có tên chỉ dẫn địa lý, được gắn trên đơn vị sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và chỉ sử dụng một lần cho từng đơn vị sản phẩm đủ điều kiện bảo hộ.
  2. Nhãn chỉ dẫn địa lý: Thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên bao bì thương phẩm của hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hoá của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. Nhãn sản phẩm để gắn trên bao bì sản phẩm đơn lẻ hoặc loại bao bì lớn cho nhiều sản phẩm.
  3. Bao bì sản phẩm chỉ dẫn địa lý: Vật dụng dùng để đựng, bao gói sản phẩm khi tiêu thụ hoặc chuyên chở hoặc trưng bày.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý, cơ chế kiểm soát và sử dụng tem nhãn

  1. Quy định quản lý, cấp và sử dụng tem nhãn tuân thủ theo các quy định về quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Định” dùng cho sản phẩm mai vàng.
  2. Tem nhãn chỉ được phép sử dụng đối với các sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Định” dùng cho sản phẩm mai vàng.
  3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cấp quyền sử dụng chịu trách nhiệm về việc gắn tem nhãn theo quy định của pháp luật về ghi nhãn.
  4. Tem nhãn được cấp là tem nhãn rời gắn lên sản phẩm, bao bì sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Việc in trực tiếp tem nhãn lên bao bì sản phẩm yêu cầu phải có tem nhãn bổ sung hoặc có Giấy phép do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định cấp.
  5. Tem nhãn có thể được in trên ấn phẩm giao dịch, biển hiệu hoặc tài liệu quảng bá chung về chỉ dẫn địa lý “Bình Định” dùng cho sản phẩm mai vàng.
  6. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được cho, vay, mượn, nhượng bán, sao chép tem nhãn.

Điều 5. Yêu cầu về ghi nhãn hàng hóa

  1. Quy định về ghi nhãn hàng hóa cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Bình Định” dùng cho sản phẩm mai vàng. Nhãn hàng hóa sản phẩm mai vàng sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Định” được quy định như sau:
  • Phần 1: Phần chung của chỉ dẫn địa lý “Bình Định” dùng cho sản phẩm mai vàng trên nhãn hàng hóa. Đối với các phần chữ trong phần chung của nhãn sản phẩm không được thay phông chữ, hình dáng chữ, màu chữ và mẫu nền của chữ và phần hình ảnh kèm theo. Phông chữ và màu chữ được quy định cụ thể như sau: Giữa phần chung của chỉ dẫn địa lý “Bình Định” dùng cho sản phẩm mai vàng và phần riêng của doanh nghiệp phải có dấu hiệu phân cách.
  • Phần 2: Thông tin của doanh nghiệp
    • Diện tích phần nhãn riêng của doanh nghiệp chiếm ¾ diện tích của nhãn và nằm phía dưới phần chung của chỉ dẫn địa lý.
    • Tên của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và tên thương mại của doanh nghiệp được sử dụng chính thức có kích thước không quá 2/3 mẫu biểu tượng chỉ dẫn địa lý “Bình Định” thuộc phần chung của nhãn, mẫu biểu tượng của doanh nghiệp không được to hơn mẫu biểu tượng của chỉ dẫn địa lý.
    • Đảm bảo các yêu cầu về ghi nhãn hàng hóa theo các quy định của pháp luật hiện hành.
  1. Quy định về việc sử dụng nhãn hàng hóa: Nhãn hàng hóa được quy định tại khoản 1 Điều này được quy định đối với những sản phẩm được Sở Khoa học và Công nghệ cấp tem nhãn chỉ dẫn địa lý hoặc cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Những sản phẩm không được cấp tem chỉ dẫn địa lý hoặc do những tổ chức, cá nhân không được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý sản xuất ra thì không được sử dụng nhãn hàng hóa theo quy định này.

Điều 6. Cơ quan quản lý cấp tem nhãn

  • Sở Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền quản lý, xem xét, cấp quyền sử dụng tem nhãn “Bình Định” dùng cho sản phẩm mai vàng.
  • Chỉ các loại tem nhãn do Sở Khoa học và Công nghệ phát hành và cho phép phát hành mới có giá trị.
  • Quy trình cấp tem nhãn được quy định cụ thể tại Điều 7 của Quy chế này.

 Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 Điều 7. Hồ sơ cấp tem nhãn

Hồ sơ đề nghị cấp tem nhãn bao gồm:

  1. Đơn đề nghị cấp tem nhãn theo mẫu (trong đó ghi rõ số lượng tem nhãn xin cấp).
  2. Bản sao công chứng Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đã được cấp.

Hồ sơ đề nghị cấp tem nhãn phải được gửi về Sở Khoa học và Công nghệ.

Điều 8. Trình tự cấp tem nhãn

Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm xem xét cấp tem nhãn theo các bước sau:

  1. Tiếp nhận bộ hồ sơ của người đề nghị.
  2. Kiểm tra hồ sơ về mặt thủ tục: Nếu bộ hồ sơ đáp ứng các yêu cầu về mặt thủ tục thì tiến hành vào sổ và viết phiếu hẹn trả kết quả; trong trường hợp bộ hồ sơ chưa đáp ứng các yêu cầu, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn người đề nghị cho đến khi hoàn thành hồ sơ và viết phiếu hẹn ngày trả kết quả.
  3. Tiến hành thẩm tra hồ sơ theo các nội dung sau:
  • Xác định người yêu cầu đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý;
  • Xác định số lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Trong quá trình thẩm tra, nếu hồ sơ có những thiếu sót cần bổ sung, điều chỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ phải có thông báo cụ thể bằng văn bản cho người đề nghị để có biện pháp khắc phục. (Trong trường hợp này, thời điểm nhận đơn hợp lệ của người đề nghị được tính từ lần cuối cùng người đề nghị hoàn thành việc bổ sung, điều chỉnh hồ sơ).

Điều 9. Thời hạn cấp tem nhãn

  1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận Đơn hợp lệ của Người đề nghị, Sở Khoa học và Công nghệ phải hoàn thành các yêu cầu quy định tại Điều 8 Quy chế này.
  2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành các công việc theo quy định tại Điều 8 Quy chế này, Sở Khoa học và Công nghệ phải ra quyết định về việc cấp hoặc không cấp tem nhãn cho người đề nghị.
  3. Trong trường hợp từ chối cấp, cấp không đủ số lượng tem, Sở Khoa học và Công nghệ phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Điều 10. Quản lý việc cấp và sử dụng tem nhãn     

  • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc gắn tem nhãn lên sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý theo quy định tại Quy chế này.
  • Danh sách các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được cấp tem nhãn và số lượng tem nhãn được cấp phải được thông báo công khai.
  • Việc cấp, nhận, cấp bù, nhận bù, hoàn trả tem nhãn phải được ghi chép trong “Sổ theo dõi tem, nhãn” của Sở Khoa học và Công nghệ.

 Chương III

VI PHẠM VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 11. Hành vi vi phạm

  1. Các hành vi sau đây được coi là vi phạm Quy chế này:
  • Sử dụng tem nhãn, bao bì khi chưa có Quyết định cấp tem nhãn, bao bì của cơ quan quản lý.
  • Sử dụng tem nhãn cho các sản phẩm không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Định” cho sản phẩm mai vàng.
  • Cho, vay mượn, nhượng bán, sao chép tem nhãn đã được cấp dưới mọi hình thức.
  • Thêm các yếu tố làm sai lệch hoặc ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Chỉ dẫn địa lý.
  • Sử dung nhãn hiệu và hệ thống tem nhãn không trung thực làm cho người tiêu dùng hiểu sai về chỉ dẫn địa lý.
  • Làm giả tem nhãn.

2. Việc sử dụng tem nhãn nhưng không nhằm mục đích kinh doanh hoặc không làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của chỉ dẫn địa lý “Bình Định” cho sản phẩm mai vàng thì không bị coi là hành vi vi phạm.

Điều 12. Nguyên tắc xử lý đối với các hành vi vi phạm

  1. Mọi hành vi vi phạm Quy chế này phải được xử lý kịp thời, nhanh chóng.
  2. Sở Khoa học và Công nghệ có quyền xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng khác xử lý các hành vi vi phạm Quy chế.
  3. Các hành vi vi phạm sẽ được xử lý theo các hình thức sau:
  • Nhắc nhở, khiển trách;
  • Lập biên bản và cảnh cáo;
  • Thu hồi, đình chỉ có thời hạn việc sử dụng tem nhãn (từ 6 tháng đến 24 tháng);
  • Phạt hành chính, tịch thu tang vật vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

4. Đối với các hành vi vi phạm việc sử dụng tem nhãn không thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Khoa học và Công nghệ, người vi phạm không cư thì trình tự, thủ tục xử lý vi phạm được thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 và các quy định khác của pháp luật.

Điều 13. Giải quyết khiếu nại        

  1. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý hoặc báo cáo các cơ quan có liên quan giải quyết mọi khiếu nại của người sử dụng tem nhãn hoặc các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến thực hiện Quy chế.
  2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại tố cáo đối với việc sử dụng tem nhãn được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

 Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Tổ chức thực hiện

  1. Hồ sơ yêu cầu cấp tem nhãn phải được niêm yết công khai tại Sở Khoa học và Công nghệ.
  2. Tất cả những người được cấp tem nhãn có quyền và nghĩa vụ giám sát việc thực hiện Quy chế này.

Điều 15. Sửa đổi bổ sung

Quy chế này có thể được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với hoạt động thực tiễn. Mọi sửa đổi, bổ sung phải thực hiện bằng văn bản do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định quyết định.

1 Đơn đề nghị cấp tem, nhãn, bao bì cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Bình Định” cho sản phẩm Mai vàng (nhấn vào link để download file)

2. Sổ deo dõi tem, nhãn (nhấn vào link để download file)

Scroll to Top