Số người đang Online: 0

Tổng lượt truy cập tuần: 442

Tổng lượt truy cập tháng: 1456

Tổng lượt truy cập: 13136

Nét đặc trưng độc đáo của Mai vàng Bình Định

Bình Định là một trong những tỉnh phát triển nghề trồng mai lớn của cả nước. Từ loài cây hoang dại trong rừng núi đã được người dân dày công gây trồng, lai tạo từ thế hệ này truyền lại cho thế hệ sau vốn kinh nghiệm quý báu và đến nay mai vàng Bình Định đã mang những nét đặc trưng riêng được nhiều người tiêu dùng trên cả nước biết đến.

Xuân về cũng là lúc những cánh hoa mai vàng nở rộ. Trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam, việc chơi hoa mai là thú chơi thanh cao, tao nhã, thể hiện được tâm hồn yêu hoa và thẩm mỹ của người Việt Nam. Mỗi khi nhìn thấy những cánh mai nở rộ, toả hương thơm mát, tuôn trào những sắc vàng ấm áp, làm cho chúng ta cảm thấy hân hoan rạo rực chào đón một năm mới với nhiều điều may mắn, an lành, vì vậy mà mai là cây hoa cảnh không thể thiếu trong ngày tết của Việt Nam ta.

Theo kinh nghiệm của người trồng mai, giống mai vàng 5 cánh truyền thống của Bình Định đã có từ xa xưa. Do đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và quá trình chăm sóc đã tạo ra cây và hoa mai vàng Bình Định có sự khác biệt so với các địa phương khác trong cả nước: Hoa mai có màu vàng tươi với 5 cánh xếp đều, nhị nở đầu cong khum vào tâm; sắc hoa vàng tượng trưng cho sự an lành, suôn sẻ và hạnh phúc.

Hoa mai vàng 5 cánh

Do nhu cầu người chơi giống mai vàng 5 cánh của Bình Định đã bị mai một nên các nghệ nhân đã sưu tầm, nghiên cứu, lai tạo thành loại mai vườn có nhiều cánh như mai Giảo, Cúc mai,…hoa nở từng chùm, nhiều nụ, cánh dày (từ 9 – 45 cánh, tuỳ loại). Quả thật, bàn tay kỳ diệu của con người đã góp phần giúp họ nhà Mai vàng Bình Định thêm đa dạng, phong phú và hấp dẫn.

Hoa mai giảo và Cúc mai

Mai vàng Bình Định hiện nay không những chỉ phát triển tự nhiên trong rừng núi mà còn được trồng rộng rãi trong sân, vườn hoặc trên các thửa ruộng gần nhà. Các làng nghề trồng mai vàng của Bình Định đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc mà chất liệu là thân cây, cành, tán lá, hoa, gốc và rễ cùng với môi trường (đặc điểm đất vùng trồng, đất trồng trong chậu hay còn gọi là giá thể) mà không địa phương nào có được. Những thành công của nghệ nhân Bình Định đã tạo ra rất nhiều loại mai khác nhau có dáng quen thuộc như mai quân tử mang cốt cách, thanh cao của người quân tử; nghiêng nghiêng thác đổ, uốn lượn rồng bay,… Những tuyệt tác có gốc hoặc thân độc đáo và lạ của mai bonsai càng được khách hàng ưng ý, ưa chuộng.

Mai bonsai

Theo kinh nghiệm của nhưng nghệ nhân trồng mai vàng truyền thống trong chậu: Ở Bình Định người dân trồng mai bằng đất phù sa trộn với cát và xơ dừa. Chính vì thế khi cây mai vàng của tỉnh Bình Định được đưa đi trồng ở vùng đất khác sẽ chậm phát triển. Bên cạnh các đặc thù về đất đai, khí hậu (khô – lạnh) và tiết trời mưa lũ làm ảnh hưởng lớn đến khả năng phân hóa mầm hoa, sự sinh trưởng và phát triển, ra hoa của cây thì Mai vàng Bình Định còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa, vặt lá cho cây nở hoa kịp tết cũng khác biệt so với mai vùng quê khác, chính sự khác biệt này đã tạo nên giá trị cao cho cây Mai vàng Bình Định. Đặc trưng khác biệt nữa của cây mai vàng truyền thống Bình Định là giống mai nguyên thủy được gieo trồng bằng hạt, khi cây được 1 – 2 năm tuổi chủ vườn cho cây vào chậu tiếp tục chăm sóc. Để có được cây mai vàng hoàn chỉnh dáng đẹp, giá trị nghệ thuật cao người dân trồng phải mất từ 3 – 10 năm chăm sóc, uốn cành, cắt tỉa, tạo dáng, … rất công phu, vì thế mà các chậu mai vàng của tỉnh Bình Định được nhiều người dân cả nước ưa chuộng.

Mai con được gieo trồng từ hạt ở trong chậu

Ngoài những điều kiện tự nhiên mang lại những đặc điểm riêng của mai vàng Bình Định, thì yếu tố con người đã tạo nên những nét đặc trưng của cây mai vàng Bình Định “đơn cành, thưa tán, gốc bồ, ngọn chỉ” mà ít địa phương nào có được. Người trồng Mai vàng Bình Định luôn ghi nhớ câu “Nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ nụ” là tiêu chuẩn của người trồng và dân chơi mai kiểng. Để có một cây mai vàng dáng đẹp, bằng kinh nghiệm của người trồng, từ lúc gieo hạt đã tính đến làm thế nào để cây mai vàng có gốc phải to hơn phần thân bên trên, đồng thời phần gốc nổi lên các u nần hoặc dăm ba đoạn rễ khí sinh bò ngoằn ngoèo trên mặt đất; thân phải tròn trịa, cứng cáp, vỏ trơn láng, không bong tróc, uốn lượn tròn,…; cành nhánh trên cây mai phải dàn tỏa một cách hợp lý hài hòa, chi phân bố đều,… Giá trị của cây mai được người chơi hoa thưởng thức không những kén gốc, dáng, cành mà còn cả những địa y, lớp rêu bám vào rễ, gốc, cành bởi luận theo phong thủy vạn vật tự dưỡng để cùng sinh sôi nảy nở. Đó cũng chính là những lộc tài, vượng khí kết hợp cùng những chùm lá non mới nở rải rác trên cây đã phối màu, làm nổi bật thêm cho cánh hoa vàng. Người sành mai còn ngầm hiểu cây mai có thế đẹp cân đối, hoa nở đều, màu vàng tươi, nụ hoa bụ bẫm, phân bố đều trên tất cả các cành và nở hoa đúng dịp Tết. Nhà thơ Lê Viết Tư đã từng viết:

Nhớ tuốt lá cho mai về kịp tết
Kẻo giao thừa thiếu hẳn một mùi hương
Mai vàng nở như em về đúng hẹn
Áo vàng phơi sáng rỡ cả con đường
Anh tuốt lá đợi mai về ngày tết
Chở mùa xuân trên mỗi đóa vàng tươi
Hương thoang thoảng mùa xuân tràn vườn ngọ
Ngỡ như em đang đứng nhoẻn môi cười
Trong giấc ngủ ngào hương hoa về hội
Đứng vịn cành em cũng đẹp như hoa
Anh bên em giữa vườn xuân nắng xóa
Bừng cơn mơ vàng tỏa cánh mai vàng.

Mai vàng Bình Định
Mai vàng Bình Định

Một cây Mai vàng Bình Định được xem là chuẩn khi đạt được các tiêu chí: bộ đế (phần gốc rễ) phải to, vững chãi; Tỉ lệ giữa thân, gốc và cành phụ thuộc vào dáng thế của cây. Thân, gốc quá nhỏ mà cành lại quá nhiều hoặc thân gốc quá cao mà cành lại quá ít đều không đạt yêu cầu; Chiều dài của cành được phân bố đều ở dáng thế cơ bản, với các dáng thế đặc biệt thì có cách bố trí riêng; Hoa và cành phải tương thích nhau, cây có quá nhiều cành, cành quá dài mà hoa lại ít hoặc ngược lại cũng khiến rối mắt và không tôn được dáng thế của cây; Nụ và hoa trên cây phải được phân bố đều; Tán lá xanh tươi, bóng mượt, không được đè lên nhau, che khuất nhau tạo sự rậm rạp làm lu mờ đường nét đặc thù của cây.            

Mai vàng Bình Định
Mai vàng Bình Định

Mai vàng Bình Định là một trong những loại hoa chơi tết được rất nhiều người địa phương trong cả nước yêu thích. Ngoài sở hữu vẻ đẹp sang trọng, cao quý thì trong mai vàng còn ẩn chứa rất nhiều nét đặc thù riêng về văn hóa, nghệ thuật có một không hai trong nghề trồng mai vàng ở Việt Nam nói chung. Với những đặc trưng đó, mai vàng Bình Định cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn du khách thập phương đến với Bình Định. Bên cạnh việc thăm quan các khu di tích danh thắng lịch sử nổi tiếng thì du khách đến Bình Định còn với mục đích là để ngắm và thưởng thức những cảnh đẹp độc  đáo của loài hoa này. Mặt khác, gắn với địa danh Bình Định, các giống mai vàng không chỉ đơn thuần mang vẻ đẹp của những bông mai vàng bình thường mà còn có ý nghĩa lịch sử và nhân văn gắn liền với tâm thế và sự nghiệp của cả các anh hùng hào kiệt đã có công dựng nước và giữ nước.

Sau Phan

TIN LIÊN QUAN

Scroll to Top