Số người đang Online: 1

Tổng lượt truy cập tuần: 443

Tổng lượt truy cập tháng: 1457

Tổng lượt truy cập: 13137

Hội thảo góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm mai vàng Bình Định

Vừa qua, Sở KH&CN Bình Định phối hợp Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện báo cáo cơ sở khoa học, bản mô tả, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm mai vàng Bình Định.

Đến tham dự hội thảo có bà Lê Minh Thu – Phó giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế thuộc Cục Sở hữu trí tuệ; ông Nguyễn Văn Ga – Viện Thổ nhưỡng Nông hóa; ông Lê Công Nhường – Giám đốc Sở KH&CN Bình Định; cùng đại diện lãnh đạo của một số sở ngành của tỉnh; đại diện các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cơ quan chuyên môn; đại diện UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện hội đoàn thể, hội sinh vật cảnh, các hộ trồng mai trên địa bàn tỉnh.

TS Lê Công Nhường - Giám đốc Sở KH&CN Bình Định phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: HH
TS Lê Công Nhường – Giám đốc Sở KH&CN Bình Định phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: HH

Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện bản mô tả danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của chỉ dẫn địa lý “Bình Định” cho sản phẩm mai vàng của Bình Định; hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm mai vàng Bình Định.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Công Nhường – Giám đốc Sở KH&CN Bình Định bày tỏ mong muốn các đại biểu tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, qua đó giúp đơn vị hoàn thiện báo cáo cơ sở khoa học phục vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm mai vàng Bình Định theo dự án “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mai vàng của tỉnh Bình Định” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 do Trung tâm Thông tin – Ứng dụng KH&CN chủ trì và Ths Võ Cao Thị Mộng Hoài – Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Định làm chủ nhiệm.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HH
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HH

Theo báo cáo về Bản mô tả danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của chỉ dẫn địa lý “Bình Định” cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định, nghề trồng mai vàng ở Bình Định hình thành từ lâu, phát triển ở nhiều địa phương của tỉnh, trong đó thị xã An Nhơn được mệnh danh “thủ phủ” mai vàng của miền Trung. Bình Định hiện có nhiều giống mai vàng, nhưng đặc trưng nhất vẫn là hai giống mai: Mai giảo và Cúc mai được người tiêu dùng trong cả nước ưa chuộng. Cả hai giống mai này đều mang đặc trưng chung của mai vàng Bình Định là cây có dáng long, dáng trực; đế xù xì, nổi u, u nần; thân nổi xù xì uốn lượn ngay từ gốc; cành với các chi lá ngang, tán chi dạng bánh. Song, các bộ phận trên cây mai vàng giống Mai giảo và Cúc mai của Bình Định đều có tính chất đặc trưng riêng biệt. Nhìn chung, về màu sắc, hình dáng, số lượng cánh hoa của giống Mai giảo và Cúc mai của Bình Định và các vùng đối chứng gần như giống nhau. Khác biệt ở chỗ kích thước của các bộ phận trên hoa mai vàng vùng đối chứng nhỏ hơn của mai vàng Bình Định.

Bên cạnh đó, dưới sự tác động của bàn tay con người cộng với điều kiện tự nhiên đặc thù đã tạo ra những cây mai mang nét đặt trưng rất riêng biệt của Bình Định mà không địa phương nào có được. Theo các nghệ nhân trồng mai vàng trong tỉnh, để tạo ra được một cây mai đẹp, gốc to, ưng ý thì rất kỳ công và mất nhiều thời gian. Bắt đầu từ việc thu thập hạt mai chín già từ cây mai mẹ để lấy hạt, rồi gieo hạt, tách trồng vào chậu. Đất trồng mai là hỗn hợp đất phù sa đặc trưng của địa phương cộng với xơ dừa, tro trấu giúp đất tơi xốp, thoát nước tốt. Cây con trồng sau 7-8 tháng là bắt đầu uốn cành, tạo dáng liên tục để đảm bảo dáng thanh thoát, tròn tán và khi trổ hoa sẽ ra đều từ dưới lên đến chóp cây. Cách tạo dáng mang nét đặc trưng riêng của Bình Định, đó chính là dùng nọc tre và lạc tre để uốn cành và định hình. Nó còn nằm ở kỹ thuật chăm sóc bộ đế, tạo u sần bằng cách làm chậm quá trình sinh trưởng của cây. Cây mỗi năm được thay chậu một lần để phơi dần bộ rễ, tạo đế vững chãi. Ngoài yếu tố con người, mai vàng Bình Định còn có mối liên hệ với điều kiện tự nhiên, sinh thái của địa phương. Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, khí hậu có tính chất nhiệt đới ẩm, gió mùa rất thích hợp cho cây trồng nhiệt đới nói chung và cho cây mai vàng nói riêng. Theo nhận định của nhiều người chơi mai, mai vàng truyền thống của Bình Định rất khó sống ở các vùng đất khác, có lẽ một phần do kỹ thuật chăm sóc công phu, phần do cây được trồng từ nhỏ nên đã quen với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Chính vì việc trồng mai vàng truyền thống Bình Định gặp nhiều khó khăn nên nhiều nhà vườn ở các địa phương khác từ chối nhận mai Bình Định về chăm sóc, bởi vì chăm sóc cây mai vàng Bình Định rất tốn công sức để thuần hóa.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: HH
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: HH

Trên cơ sở báo cáo, các đại biểu, nghệ nhân đã có những ý kiến đánh giá, phân tích về danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù, đặc trưng của sản phẩm mai vàng đối với người dân Bình Định cũng như mối quan hệ giữa điều kiện tự nhiên, con người và chất lượng đặc thù của sản phẩm. Các chuyên gia, các nhà khoa học cũng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của dự án, đảm bảo tính khả thi, áp dụng vào thực tiễn địa phương.

Tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu, Ths Võ Cao Thị Mộng Hoài cam kết sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện bản mô tả và hồ sơ phục vụ nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng Bình Định tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) trong thời gian tới.

HỒNG HÀ

TIN LIÊN QUAN

Scroll to Top