Số người đang Online: 0

Tổng lượt truy cập tuần: 450

Tổng lượt truy cập tháng: 1464

Tổng lượt truy cập: 13144

Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mai vàng Bình Định

Từ ngàn xưa, người dân Bình Định nói riêng và miền Trung nói chung đã xem hoa mai là biểu tượng của xuân về. Hình ảnh hoa mai vàng khoa sắc, đâm chồi nảy lộc trong ngày đầu năm mới hàm ý mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc.

Nghề trồng mai vàng ở Bình Định hình thành từ rất lâu. Để có được một cây mai kiểng cổ hoặc mai bonsai đẹp có giá trị, ra hoa đúng tết thì việc chăm sóc, tỉa cành tạo tán… là công việc đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về thời gian, công sức.

Giống trồng

Bình Định nổi tiếng với 2 giống mai là Cúc Mai và Mai giảo. Phương pháp nhân giống chính của các làng trồng mai thương phẩm ở Bình Định là trồng cây mai con bằng hạt.

Thời vụ

Mai thường được gieo hạt vào tháng 1 – tháng 2 dương lịch (cuối tháng Giêng – đầu tháng 2 âm lịch). Sau 45 – 60 ngày (khi cây được 4-5 lá thật) thì tách ra trồng vào chậu, trồng vào chậu giữa tháng 3 là tốt nhất. Mai vàng thích hợp khí hậu nóng ẩm, tốt nhất từ 25 – 30 độ C.

Đất trồng

Cây mai không quá kén đất trồng, nhưng không thể trồng trên vùng đất hay bị ngập nước do mai chịu úng kém. Đất trồng là hỗn hợp đất phù sa, xơ dừa, tro trấu đảm bảo tơi xốp và thoát nước tốt. Hỗn hợp được trộn theo tỷ lệ khoảng 60 – 70% đất phù sa, 20 -30% phân hữu cơ hoai mục, 10 – 20% cám dừa hay tro trấu đã qua ủ và 50- 100 gr lân/chậu, ủ thêm chế phẩm Trichoderma theo liều lượng ghi trên bao bì để ngừa bệnh tuyến trùng dễ cho cây mai.

Trồng và tạo dáng

Sau 7 – 8 tháng trồng có thể bắt đầu uốn cành, tạo dáng. Một năm có thể uốn vào tháng 4 hay tháng 8 dương lịch. Năm thứ 2 thay đất, thay chậu, uốn sửa, tạo dáng. Năm thứ 3 có thể xuất vườn.

Bón phân

. Đối với mai con: Nên phun hay tưới phân pha loãng. Lượng phân sử dụng từ 50 – 100 gr/10 – 15 lít nước, khoảng 20 – 30 ngày tưới 1 lần.

. Đối với cây mai giai đoạn sinh trưởng sinh thực (tạo cành, tạo tán): Lượng phân bón tăng dần theo sự phát triển của cây mai. Số lần bón phân cho cây mai tùy thuộc vào tuổi cây và mức độ cắt tỉa cành của người trồng, thường từ 6 – 8 lần/năm.

. Đối với cây mai đã cho hoa ổn định: Bón phân khoảng 4 lần/năm vào các đợt: Sau khi tàn hoa vào tháng 2 (tháng Giêng âm lịch, sau Tết); cắt tỉa cành vào tháng 4 (tháng 5 âm lịch); đầu mùa mưa khoảng tháng 8 (tháng 9 âm lịch); trước khi mai nở hoa khoảng 1 – 1,5 tháng vào tháng 11 (tháng 12 âm lịch).

Lượng phân bón: Loại phân bón thích hợp là NPK 20 – 20 – 15 + TE hoặc NPK 16 – 16 – 8. Tuỳ theo kích thước chậu và tuổi cây mai, có thể bón từ 20 – 50 gr/chậu/lần bón phân.

Cách bón: Vét rãnh xung quanh thành chậu, sâu khoảng 3-5 cm, rải phân đều vào rãnh, lấp đất và tưới đủ ẩm. Tránh làm đứt rễ, cây dễ bị nhiễm bệnh qua vết thương.

Sử dụng phân bón lá để thúc đẩy sinh trưởng và phát triển, bổ sung các chất dinh dưỡng thiếu hụt đối với mai trồng trong chậu và có thể giúp kích thích ra rễ, ra lá, ra hoa và làm tăng chất lượng hoa theo ý muốn của người chơi mai.

Tưới nước

Phải tưới nước mỗi ngày, ngày tưới 2 lần (sáng, chiều). Nên tưới vào lúc sáng sớm (trước 9 giờ) hoặc vào lúc chiều mát. Tưới thẳng vào gốc hay tưới phun với tia nhỏ lên khắp tán lá.

Phòng trừ sâu bệnh

Cây mai vàng là một đối tượng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công. Khi bị sâu bệnh tấn công, cây dễ bị mất sức, hao kiệt dinh dưỡng, bộ lá sẽ hư hại và rụng sớm, cho nên chưa vào đến tết hoa đã nở sớm. Nếu trường hợp cây vẫn đủ sức cầm cự giữ được bộ lá, thì mùa tết hoa nở ít, hoa nhỏ, và nở bất thường. Trường hợp xấu hơn là cành nhánh chết dần, chết thân và chết luôn cây. Việc phòng trừ sâu bệnh là việc làm quan trọng trong việc nuôi trồng cây mai. Có thể nói nó quyết định đến kết quả của việc nuôi trồng cây mai trong suốt cả năm. Những đối tượng phá hoại trên cây mai gồm có: Sâu cuốn lá mai, nhện đỏ, bọ trĩ, rệp, tuyến trùng rễ, bọ xít, bệnh rỉ sắt, bệnh nấm hồng, đốm đồng tiền, bệnh thán thư, bệnh cháy lá, bệnh vàng lá sinh lý.

HỒNG HÀ

TIN LIÊN QUAN

Scroll to Top