Số người đang Online: 0

Tổng lượt truy cập tuần: 252

Tổng lượt truy cập tháng: 1184

Tổng lượt truy cập: 18402

Lịch sử và danh tiếng của Mai vàng Bình Định

Bình Định là vùng đất vốn nổi tiếng với những những danh lam thắng cảnh, những di tích văn hoá lịch sử cùng với những phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc…nơi đây còn có các làng nghề truyền thống với đa dạng ngành nghề, biểu hiện cho sự thông minh, sáng tạo và đôi bàn tay cần mẫn của người thợ. Những làng nghề ấy không những cải thiện đời sống kinh tế gia đình mà còn là một trong những ngành kinh tế sinh thái mũi nhọn của địa phương, tự hào nhất có thể kể đến là làng nghề trồng Mai vàng Bình Định.

Mai vàng là loài hoa đặc trưng không thể thiếu của người dân Việt Nam mỗi khi tết đến xuân về. Trong thế giới các loài hoa, cây mai vàng quyến rũ người đời bởi sự tương phản hiếm có: thân mảnh mai, hoa vàng rực, hương thơm dịu nhẹ, thanh khiết nhưng ẩn chứa trong mình sự kiên dũng, khí phách khi mang niềm vui đến với mọi nhà. Việc chưng hoa mai ngày tết là thú chơi thanh cao, tao nhã, thể hiện được tâm hồn yêu hoa và thẩm mĩ của người Việt Nam. Sắc hoa vàng rực e ấp bên những lộc non vừa chớm là dấu hiệu của điềm lành, của một năm mới thịnh vượng an khang:

Mai vàng đẹp lắm biết sao vừa.
Thử hỏi nhà em đã có chưa.
Lộc biếc hoa tươi bao kẻ thích.
Cành xanh nhánh tốt lắm người ưa.
Giao mùa đổi tiết mây thơ thẩn.
Tết đến xuân về gió đẩy đưa.
Trăn trở trong lòng nhiều ước vọng.
Tương lai tươi đẹp vẫn không thừa.

                             Tác giả: Vũ Hùng Việt

Mai vàng thuộc họ Ochnaceae, có tên khoa học Ochna integerrima, là cây đa niên, có thể sống trên một trăm năm. Mai có xuất xứ từ cây hoang dại, mọc nơi núi rừng với dáng vẻ tự nhiên mà quyến rũ, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới, đặc biệt với khí hậu miền Nam – Việt Nam.  Đặc điểm bề ngoài cây hoa mai có gốc to, rễ lồi lõm, thân xù xì, cành nhánh nhiều, lá mọc xen. Trải qua thời gian cùng với nhu cầu thưởng ngoạn và trao gởi tâm linh, con người đã phát hiện, thuần dưỡng và xem mai như một người bạn thân thiết, tao nhã.

Cũng giống như nhiều địa phương khác, nghề trồng mai vàng ở Bình Định đã có từ lâu đời nhưng phát triển mạnh thành nghề sản xuất hàng hóa từ năm 1975 đến nay. Năm 1980, ông Đặng Xuân Lan ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định – một cán bộ về hưu đem giống mai vàng từ miền Nam về trồng ở trước sân nhà. Xuân về, mai nở vàng rực, toả hương thoang thoảng. Nhìn những nụ hoa khoe sắc dưới ánh nắng xuân, con trai ông chợt nghĩ đến ý tưởng tạo dáng cho thân và nhân giống để nhiều người cùng trồng. Không ngờ chỉ sau vài năm chăm sóc, những cây mai tạo dáng cảnh trong dịp đón Tết có sức hút kỳ lạ và được nhiều người trầm trồ khen ngợi. Từ đó, nghề trồng mai bắt đầu phát triển khắp xã Nhơn An và các xã thuộc thị xã An Nhơn, sau đó lan rộng khắp các huyện khác của tỉnh Bình Định và trở thành thủ phủ mai vàng của toàn quốc. Cùng với sự cần cù và sáng tạo của người trồng mai vàng, đến nay Bình Định đã có rất nhiều giống mai vàng ở các địa phương khác đã được thuần hóa và mang nét đặc trưng riêng của Bình Định như: Mai vàng 5 cánh, mai Giảo, Cúc mai…được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng. Cũng từ kinh nghiệm trồng mai cảnh lâu năm của người dân, Bình Định được được biết đến như một trong những cái nôi của vùng mai thế nổi tiếng. Những chậu mai thế được các nghệ nhân cần mẫn cắt tỉa, trau chuốt để có những sản phẩm vừa lòng người xem, như cây mai thế Dáng Long – một sản phẩm độc nhất vô nhị, mai bonsai với nhiều dáng thế độc đáo …tạo nét đặc trưng của cây mai vàng Bình Định. Đặc biệt được thiên nhiên ưu đãi ban tặng khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp và nguồn nước mát của những nhánh sông nhỏ quanh vùng nên Mai vàng Bình Định có điều kiện phát triển và thăng hoa.

Mai vàng Bình Định
Mai vàng Bình Định

Mai thuộc loại dễ trồng và cũng dễ chăm sóc. Người ta thường trồng mai bằng cách chọn những hạt mai chín mẩy, phơi khô rồi đem gieo vào đất ẩm (có thể gieo trong chậu hoặc ngoài vườn). Mai ưa đất ẩm và ánh sáng nhưng không chịu được úng. Vì vậy cần trồng cây mai nơi cao ráo và phải thường xuyên tưới nước cho cây. Nếu trồng trong chậu thì cần chú ý bón phân và thay đất hàng năm. Chăm sóc tốt thì khoảng 5 -7 năm mai có thể cho hoa. Bản thân cây mai không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, song để tạo ra những chậu mai kiểng được ghép cành, uốn thế, cây mai ghép nhiều màu, hoặc cây mai bonsai tuyệt đẹp thì đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật và hiểu biết về loài cây này. Điều quan trọng nhất và cũng khó nhất trong kỹ thuật trồng mai là tạo dáng cho cây và giúp mai nở hoa đúng kỳ, hoa đều, màu đẹp. Để mai ra hoa kịp Tết, người trồng mai thường phải chú ý vặt lá và canh thời tiết. Năm nào thời tiết nắng ấm thì vặt lá trước Tết khoảng hai mươi lăm ngày. Năm nào rét đậm thì phải vặt lá sớm hơn. Khi đến tham quan các làng mai vào mỗi dịp xuân về, nhiều du khách không khỏi trầm trồ khen ngợi với dáng thế đặc trưng của Mai vàng Bình Định: dáng hình rồng, thế rồng thăng, rồng lượn ngẩng đầu, các chi nhánh xòe ra xung quanh và bộ gốc rễ của cây mai được đôn lên khỏi đất, tạo cho cây mai có nét rất riêng luôn được dân chơi mai kiểng ưng ý: “Nhất gốc, nhì thế, tam thân, tứ hoa…”.

Mai bonsai
Mai bonsai

Mai vàng là loại hoa kiểng không thể thiếu trong những ngày năm hết Tết đến, hầu như nhà nào cũng có ít nhất một bình mai, chậu mai đón xuân. Đời sống của người dân ngày càng nâng cao thì nhu cầu chơi mai, thưởng mai ngày càng lớn. Nắm bắt cơ hội này, từ những làng quê thuần nông nghèo khó, giờ đây Bình Định đã có những làng trồng mai được hầu hết giới hoa kiểng và người kinh doanh mai Tết khắp mọi miền đất nước thuộc nằm lòng. Về những làng quê trồng mai tại Bình Định mới thấy hết những vẻ độc đáo: cây mai san sát, từ ngoài ngõ đến tận hiên nhà; một khoảnh đất dù nhỏ vài ba mét vuông cũng tận dụng để trồng mai. Không phụ công chăm sóc, cây mai đã giúp người trồng có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống người dân ngày càng cải thiện đáng kể.

Hoa mai tuy có ở cả 3 miền, đặc biệt được trồng rất phổ biến ở Nam bộ nhưng Mai vàng Bình Định từ lâu đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, có mặt ở khắp các vùng miền trong cả nước. Nơi đây được xem là xuất xứ của làng mai chậu, mai thế nổi tiếng Việt Nam. Thị trường tiêu thụ Mai vàng Bình Định khá rộng. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu chơi mai Tết của cư dân trong tỉnh và các vùng lân cận, Mai vàng Bình Định còn được các nhà vườn kinh doanh hoa kiểng chuyên chở vào Nam, ra Bắc, lên Tây Nguyên để bán. Mỗi cây mai thương phẩm xuất xứ từ Bình Định có giá bình quân từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Một số ít cây thuộc hàng “độc” (mai có tuổi thọ cao, dáng thế đẹp) có khi lên đến vài chục triệu đồng. Từ thú chơi tao nhã ban đầu đến nay nghề trồng mai vàng của Bình Định đã trở thành một ngành kinh tế sinh thái mũi nhọn của địa phương và ngày càng phát triển.

Sau Phan

TIN LIÊN QUAN

Scroll to Top